-
Notifications
You must be signed in to change notification settings - Fork 34
Giải pháp kĩ thuật công nghệ
OpenCPS được thiết kế xây dựng trên một nền tảng các công nghệ mở, có khả năng tự động hóa cao trong quy trình xử lý tích hợp dễ dàng với nhiều hệ thống bên ngoài. OpenCPS đảm bảo tính linh hoạt để có thể tùy biến áp dụng theo nhu cầu đa dạng của người dùng trong cơ quan nhà nước. Dưới đây là phân tích về các kĩ thuật, công nghệ chính được lựa chọn áp dụng.
OpenCPS được xây dựng trên cơ sở một tiêu chuẩn chung về mô hình hóa dữ liệu về thủ tục hành chính và thành phần hồ sơ để thực hiện dịch vụ công ở các mức độ. Mô hình này mang tính tổng quát hóa cao cho phép người dùng có thể khai báo và điều chỉnh dễ dàng một dịch vụ công mới mà không cần phải lập trình thêm. Công cụ khai báo cho phép thực hiện:
- Tạo danh sách các thủ tục hành chính với phân loại theo lĩnh vực nghiệp vụ và cơ quan thực hiện
- Định nghĩa cấu trúc thành phần hồ sơ được áp dụng cho một hoặc một nhóm các thủ tục hành chính. Có các loại thành phần hồ sơ sau được sử dụng trong một bộ hồ sơ:
- Thành phần hồ sơ chỉ có một loại giấy tờ được khai báo trực tuyến (đơn và các mẫu tờ khai thủ tục)
- Thành phần hồ sơ chỉ là một loại giấy tờ được đính kèm trực tuyến (bản quét đưa lên mạng)
- Thành phần hồ sơ được lựa chọn từ nhiều thành phần giấy tờ khác nhau, ví dụ giấy định danh cá nhân có thể dùng như là chứng minh thư, hoặc hộ chiếu
- Thành phần hồ sơ được bao gồm nhiều giấy tờ với số lượng và tên giấy do người dùng cung cấp theo thực tế khi làm thủ tục, ví dụ thành phần giấy tờ khác trong hồ sơ
- Thành phần hồ sơ là giấy kết quả sinh ra trong quá trình xử lý hồ sơ
- Thành phần dùng để phân nhóm giấy tờ thành các bộ hồ sơ riêng trong một hồ sơ chính
Giấy tờ để khai báo trực tuyến có nội dung hoàn toàn khác nhau. Dựa trên các công nghệ web thế hệ mới 2.0 hiện nay, nội dung form động hoàn toàn có thể được sinh ra bởi một ngôn ngữ kịch bản. OpenCPS sử dụng alpaca (http://www.alpacajs.org/) để tạo các form khai báo trực tuyến cho thủ tục. Bằng cách sử dụng một bộ công cụ thiết kế form (tham khảo thêm tại đây), người dùng có thể dễ dàng thiết kế một form nhập liệu theo đúng yêu cầu người dùng và kết xuất nó thành chuỗi kịch bản để nhập vào cấu hình OpenCPS.
Sử dụng chuỗi cấu hình này, OpenCPS sẽ tạo ra form đúng như mẫu thiết kế cho người dùng nhập liệu. Toàn bộ dữ liệu của form sau khi nhập bởi người dùng sẽ được lưu trữ dưới định dạng json. Dữ liệu này sẽ được sử dụng để trao đổi và phân tích trong quá trình xử lý hồ sơ. Dữ liệu json được nhập từ form alpaca cũng được dùng làm nguồn để sinh ra một mẫu báo cáo in sử dụng bộ thư viện JasperReport.
Alpaca không chỉ được dùng cho form nhập liệu trực tuyến bởi người làm thủ tục. Công cụ sinh form động cũng được sử dụng để nhập dữ liệu cho các thành phần kết quả khi xử lý hồ sơ. Chính vì vậy một giấy kết quả thủ tục cũng được tùy biến linh hoạt giống như giấy tờ đầu vào. Tuy nhiên khi sử dụng alpaca, dữ liệu của các giấy trong một hồ sơ là hoàn toàn độc lập nhau. Ví dụ tên chủ hồ sơ đều phải được nhập một cách thủ công ít nhất 2 lần ở tờ đơn và giấy kết quả thủ tục. Để tạo ra sự liên kết dữ liệu giữa các giấy tờ và tránh mất thời gian phải nhập liệu lại trên một form, OpenCPS cho phép định nghĩa mẫu dữ liệu cho các trường thông tin trên một form. Khi đó hệ thống sẽ tự động kiểm tra để điền các dữ liệu sẵn có vào cho người dùng theo các cách như sau:
- Lấy giá trị theo thông tin sẵn có của một hồ sơ
- _subjectName: tên cá nhân, tổ chức làm thủ tục hành chính
- _subjectId: mã cá nhân, tổ chức
- _address: địa chỉ liên lạc
- _cityCode: mã thành phố
- _cityName: tên thành phố
- _districtCode: mã quận
- _districtName: tên quận
- _wardCode: mã phường
- _wardName: tên phường
- _contactName: tên người liên lạc
- _contactTelNo: số điện thoại liên lạc
- _contactEmail: địa chỉ email
- Lấy theo giá trị đã có trong hồ sơ từ một giấy tờ khác với cú pháp để thể hiện #variable@paper
- variable: tên biến object trong json.
- paper: số hiệu của giấy tờ chứa dữ liệu để copy.
- Lấy từ một nguồn chia sẻ thông tin tra cứu trên Internet (ví dụ tên một doanh nghiệp sau khi đã biết mã số thuế). Cú pháp bắt đầu bằng http:// hay https://
Các hồ sơ dịch vụ công cần được tiến hành xử lý trong cơ quan theo một quy trình giải quyết cụ thể trong đó có các bước xử lý, vai trò và nội dung công việc cần phải thực hiện tại mỗi bước. Quy trình xử lý hồ sơ luôn linh hoạt theo tổ chức của cơ quan. OpenCPS được xây dựng trên cơ sở dùng một mô tơ để thực thi quy trình xử lý hồ sơ động. Mô tơ này có các đặc điểm mang tình tổng quát phù hợp với quá trình giải quyết thủ tục hành chính trong các cơ quan nhà nước, cụ thể như sau:
- Hồ sơ phải được xử lý qua các bước. Mỗi bước trong quy trình được phân công cho một vai trò phụ trách (nhóm người thực hiện).
- Tại mỗi bước trong quy trình, người được phân công có thể lựa chọn thực hiện một trong số các thao tác khác nhau để chuyển hồ sơ sang các bước xử lý tiếp theo. Khi thực hiện thao tác cán bộ có thể lựa chọn phân công cụ thể người xử lý hồ sơ tại bước tiếp theo.
- Trong quá trình xử lý hồ sơ tại mỗi bước, cán bộ có thể xem và chỉnh sửa thông tin cho một hoặc một vài giấy tờ kết quả được sinh ra. Giấy tờ này cũng có thể được kí số, đóng dấu điện tử nếu có thể.
- Có thể quy định số ngày tối đa có thể thực hiện tại mỗi bước dùng để đánh giá mức độ đúng hạn của cán bộ xử lý hồ sơ
- Việc cấp mã số tiếp nhận và đặt lịch hẹn trả cho mỗi hồ sơ tiếp nhận được cấu hình một cách linh hoạt trong quy trình. Người sử dụng có thể khai báo một chuỗi mẫu (pattern) để cấp mã số hồ sơ cho mỗi dịch vụ công.
- Có thể cấu hình dữ liệu về lệ phí và thời điểm cần thanh toán lệ phí thực hiện dịch vụ công trong quy trình xử lý. Việc thanh toán phí có thể thực hiện bằng cách nộp trực tuyến hoặc nộp trực tiếp.
- Một thao tác trong quy trình xử lý có thể được tự động hóa, kích hoạt bởi các sự kiện hệ thống gồm lịch đồng hồ và trao đổi dữ liệu với hệ thống bên ngoài như bổ sung mới hồ sơ, báo nộp thanh toán, yêu cầu rút hồ sơ, yêu cầu chỉnh sửa giấy tờ kết quả có lỗi,... Khả năng tự động hóa này có thể định nghĩa việc liên thông quy trình xử lý hồ sơ giữa nhiều hệ thống khác nhau
- Quy trình xử lý động được áp dụng cho cả các hồ sơ nộp trực tuyến hoặc nộp một cửa. Không có sự đối xử phân biệt giữa hồ sơ được nộp trực tuyến và hồ sơ được nộp trực tiếp trong quy trình xử lý. Một hồ sơ nộp trực tuyến vẫn có thể được trả kết quả tại bộ phận một cửa (dịch vụ công cấp độ 3).
Về mặt kĩ thuật, OpenCPS được thiết kế như một bộ công cụ BPM (Business Process Management) chuyên dụng dùng cho lĩnh vực dịch vụ công. Người dùng không phải lập trình thêm bất kì một dòng code nào để thiết lập quy trình xử lý hồ sơ theo đặc thù riêng của cơ quan.
Việc triển khai một hệ thống dịch vụ công tập trung trong cả nước hay thậm chí tại một bộ ngành là hoàn toàn không khả thi do mức độ phức tạp và yêu cầu phân cấp chịu trách nhiệm quản lý giữa các cơ quan. OpenCPS được thiết kế cho phép triển khai nhiều hệ thống dịch vụ công khác nhau theo mô hình phân cấp quản lý nhưng vẫn đảm bảo sự liên thông thông tin và liên thông nghiệp vụ của các thủ tục hành chính. Theo danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước, tiêu chuẩn ebXML phiên bản 2.0 được quy định bắt buộc áp dụng dùng cho mục đích tích hợp dữ liệu trong các hệ thống. Do đó, OpenCPS áp dụng giao thức truyền thông điệp ebXML để thực hiện trao đổi dữ liệu về hồ sơ giữa các hệ thống dịch vụ công khác nhau theo mô hình B2B (Business To Business).
Mỗi hệ thống dịch vụ công khi triển khai được coi như là một điểm kết nối trong mạng ngang hàng (P2P). Sự tham gia của một nút trong mạng lưới là hoàn toàn độc lập với các điểm kết nối khác có trong mạng lưới. Không có bất kì một điểm kết nối nào có thể gây ra hiệu ứng "cổ chai" và có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ thống. Ngay cả điểm kết nối cổng dịch vụ công cũng chỉ được coi là một điểm đặc biệt như "rendez-vous" trong mạng P2P. Tất cả các hồ sơ thủ tục khi thực hiện sẽ được báo cáo hiện trạng xử lý lên cổng dịch vụ công. Nhưng ngay cả khi cổng dịch vụ công này không hoạt động thì nó cũng không được làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các hệ thống dịch vụ công đầu cuối.
OpenCPS đưa ra một cấu trúc thông điệp dùng chung dựa trên ebXML để thực thi các trao đổi dữ liệu giữa các hệ thống dịch vụ công. Nó cho phép truyền tải các thông tin sau:
- Gửi và nhận thông tin hồ sơ mới, giấy tờ bổ sung và kết quả xử lý trong các hệ thống dịch vụ công trực tuyến
- Gửi các yêu cầu khác của người làm thủ tục như thực hiện rút hồ sơ, báo lỗi kết quả xử lý thủ tục
- Yêu cầu thanh toán, thực hiện và xác nhận việc thanh toán trực tuyến cho hồ sơ theo các hình thức chuyển khoản hoặc giao dịch điện tử
- Thông báo cập nhật thông tin về tình trạng xử lý của tất cả các hồ sơ được xử lý trong hệ thống phần mềm nghiệp vụ nhằm phản hồi cho các cá nhân, tổ chức, đồng thời giúp theo dõi kiểm soát tập trung quá trình thực hiện các thủ tục hành chính tại cổng DVC
- Trao đổi, cập nhật đồng bộ dữ liệu về danh mục thủ tục hành chính, cấu trúc hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính và các loại danh mục dữ liệu dùng chung khác
- Gửi và nhận các dữ liệu thành phần hồ sơ và kết quả xử lý giữa các cơ quan để thực hiện liên thông nghiệp vụ trong thủ tục hành chính
- Trao đổi đồng bộ dữ liệu về kết quả thực hiện thủ tục hành chính để liên thông thông tin giữa các thủ tục hành chính
OpenCPS được thiết kế để đóng vai trò như là một công cụ hữu hiệu hỗ trợ kiểm soát thủ tục hành chính một cách minh bạch nhất. OpenCPS giúp thực hiện các công việc sau:
- Công khai đầy đủ thông tin các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng. Cập nhật liên tục các thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bị hủy bỏ, bãi bỏ theo đúng quy định.
- Hình thành cơ chế một cửa điện tử tiếp nhận hồ sơ trực tuyến và liên thông giữa các thủ tục trong các cơ quan nhà nước, loại bỏ sự phiền phức cho người làm thủ tục phải trực tiếp giải quyết hồ sơ ở nhiều cơ quan khác nhau cho một yêu cầu.
- Thúc đẩy việc chuẩn hóa quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ tại các cơ quan nhà nước theo TCVN ISO 9001:2008. Quy trình này có thể thay đổi linh hoạt để phù hợp với tiến trình cải cách hành chính liên tục hiện nay tại các cơ quan nhà nước.
- Giám sát công tác giải quyết thủ tục hành chính với các thông tin theo thời gian thực về hồ sơ quá hạn, trễ hạn để từ đó làm cơ sở kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà trong giải quyết thủ tục hành chính. Việc giám sát này có thể thực hiện tập trung tại cổng dịch vụ công đối với các hồ sơ kể cả được nộp trực tuyến hay nộp trực tiếp tại cơ quan nhà nước.
- Hỗ trợ việc tiếp nhận trực tuyến các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định thủ tục hành chính và thực hiện đánh giá thống kê tình hình công chức xử lý hồ sơ trong cơ quan nhà nước.
OpenCPS được xây dựng tích hợp với nhiều thành phần công nghệ lõi do bên thứ 3 phát triển để tạo thành một hệ sinh thái sản phẩm. Hệ sinh thái sẽ tạo ra các dịch vụ tiện ích tốt nhất đưa tới tay người dùng. Cụ thể các công nghệ sau đây sẽ được tích hợp và kiểm thử đầy đủ trước khi đưa tới người dùng.
- Cổng dịch vụ thanh toán trực tuyến của bên thứ 3 (ví dụ: keypay,...). Qua đó người dùng sẽ có nhiều lựa chọn cho thanh toán từ xa hơn thay vì chỉ có duy nhất hình thức thanh toán bằng hóa đơn chuyển khoản qua ngân hàng.
- Hệ thống quản lý hóa đơn điện tử có mã xác thực của một nhà cung cấp thứ 3 (ví dụ: e-invoice,...). Qua đó người dùng có thể dùng hóa đơn điện tử để làm việc với cơ quan thuế của nhà nước
- Hệ thống chứng thực chữ kí số của Ban cơ yếu CP (dành cho cơ quan nhà nước) và của các doanh nghiệp cung cấp CA (dành cho các cá nhân và tổ chức)
- Hệ thống quản lý quản lý văn bản, quản lý hồ sơ điện tử ECM (Enterprise Content Management). Các hồ sơ điện tử được phát sinh trong dịch vụ công sẽ được sắp xếp, đánh chỉ mục một cách khoa học trong hệ thống ECM để người dùng có thể tìm kiếm tra cứu một cách dễ dàng thông qua giao diện riêng và đồng thời có thể truy cập từ bất kì một ứng dụng nào trong cơ quan mà không phải làm thêm thao tác thu thập tổ chức lưu trữ dữ liệu.
- Hệ thống quản lý điều hành, tiện ích liên lạc, lập lịch công việc thông qua các ứng dụng email và OTT trên thiết bị di động
- Hệ thống tổng đài chăm sóc khách hàng, hỗ trợ trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện dịch vụ công.
Trong thời đại bùng nổ các ứng dụng trực tuyến, người dùng phải đối mặt với tình trạng phải lập và quản lý quá nhiều tài khoản khác nhau. Điều này gây khó khăn cho người dùng do phải nhớ nhiều mật khẩu. Từ đó có xu hướng người sử dụng dùng cố định một mật khẩu cho mọi tài khoản, tạo ra nguy cơ rất cao về an toàn thông tin. Các công nghệ mở về xác thực người dùng cần được áp dụng để người dùng chỉ cần phải quản lý duy nhất một tài khoản nhưng có thể sử dụng nhiều ứng dụng với độ bảo mật đáng tin cậy. OpenCPS được thiết kế với các công nghệ mở mới nhất về quản lý tài khoản và xác thực người dùng hiện nay.
Trong ứng dụng OpenCPS, phân biệt có 2 nhóm tài khoản chính dành cho cán bộ và dành cho cá nhân, tổ chức. Nhu cầu đối với các cán bộ là sử dụng một tài khoản duy nhất để truy cập nhiều ứng dụng phổ biến trong cơ quan nhà nước như thư điện tử, cổng thông tin, quản lý văn bản điều hành, hệ thống dịch vụ công và phần mềm tác nghiệp. Phương thức tốt nhất để quản lý một tài khoản cho nhiều ứng dụng nội bộ như thế này là sử dụng chung một danh bạ quản lý người dùng tập trung. OpenCPS được xây dựng trên nền tảng Liferay nên sẵn sàng tích hợp với 2 giải pháp quản lý người dùng đăng nhập một lần sử dụng phổ biến hiện nay:
- Giải pháp mã nguồn mở OpenLDAP cho quản lý danh bạ người dùng và CAS cho đăng nhập một lần SSO.
- Giải pháp đóng của M$ với Active Directory cho quản lý ngươi dùng và NTLM cho đăng nhập một lân SSO.
Đối với tài khoản cá nhân, tổ chức, OpenCPS được tích hợp với giao thức xác thực OAuth2 theo 2 phương án sau:
- Một ứng dụng thứ 3 bất kì có thể xác thực người dùng thông qua tài khoản cá nhân, tổ chức đã được đăng kí trên hệ thống OpenCPS. Khi đó, nếu người dùng khai thác một dịch vụ công trực tuyến ở ứng dụng thứ 3 thì thông tin hồ sơ cũng sẽ được cập nhật trên tài khoản của hệ thống OpenCPS. Điều này thực hiện được bởi lẽ ứng dụng thứ 3 đã sử dụng quyền của người dùng cấp qua OAuth2 để cập nhật thông tin lên OpenCPS. Để triển khai tính năng này OpenCPS cần được triển khai trên bản Liferay EE.
- OpenCPS có thể dùng lại tài khoản của một ứng dụng phổ biến khác như facebook, google để xác thực người dùng. Giao thức dùng để xác thực cũng là OAuth2. Nhưng lúc này OpenCPS sẽ đóng vai trò là client. Trường hợp này phù hợp để cung cấp dịch vụ công mà không đòi hỏi quá trình xác minh người dùng ở mức độ cao. Bất kì ai đã có tài khoản là đều có thể thực hiện dịch vụ công ngay mà không cần phải thực hiện đăng kí từ đầu.